Home »
‘Bị loại từ vòng gửi xe’ vì gửi quá nhiều hồ sơ xin việc
Nếu bạn gửi một hồ sơ cho hàng chục công ty thì tôi chắc chắn rằng hồ sơ đó sẽ thất bại, vì mỗi công ty đều có yêu cầu khác nhau đối với ứng viên. Để trách bị rớt “từ vòng gửi xe” thì công việc đầu tiên bạn phải làm là tìm hiểu về nhà tuyển dụng cần gì ở mình.
Đến nay, tôi đi làm đã được 10 năm, trải qua 4 công ty trong đó có một công ty là Việt Nam. Thời gian gần đây, ngoài việc làm kỹ thuật, tôi còn tham gia lọc hồ sơ, phỏng vấn ứng viên khi công ty cần.
Đây là một công việc khá mất thời gian, có đợt chúng tôi chỉ tuyển dụng một người nhưng nhận được đến 60 hồ sơ, lọc ra phỏng vấn 10 người nhưng vẫn không tuyển được người nào. Vậy là chúng tôi mất hơn 2 tuần vô ích trong lần đó, chưa kể đến các chi phí và thời gian đăng tuyển trên mạng.
Để chọn lọc được hồ sơ tốt, chúng tôi thường áp dụng những quy tắc sau:
Thứ nhất: đối với những hồ sơ dài dòng, chứa quá nhiều thông tin không liên quan sẽ bị đánh giá rất kém và hồ sơ nào quá chung chung, giống như bản copy của hồ sơ mẫu trên mạng sẽ bị chúng tôi loại. Còn những ứng viên có kinh nghiệm làm việc lệch so với yêu cầu sẽ bị chúng tôi đánh giá thấp. Ví dụ: chúng tôi đang tuyển lập trình viên thì người nhiều kinh nghiệm quản lý sẽ không được ưu tiên.
Thứ hai: Những ứng viên nào nêu được ưu điểm của mình và ưu điểm đó phù hợp với yêu cầu sẽ được chúng tôi mời phỏng vấn, bất kể bằng cấp nào. Nếu ứng viên nào có đòi hỏi lương vượt khung quy định của công ty, chúng tôi cũng sẽ bị loại. Đặc biệt, các lỗi chính tả, ngữ pháp trong hồ sơ sẽ bị chúng tôi đánh giá rất nặng.
Vì vậy, vấn đề sống còn để vượt qua được vòng loại hồ sơ là: ứng viên phải biết người tuyển dụng cần gì và mình có khả năng gì phù hợp với yêu cầu của người tuyển dụng và hồ sơ cần được viết phù hợp với các yêu cầu trên.
Do đó, nếu bạn gửi một hồ sơ cho hàng chục công ty thì tôi chắc chắn rằng hồ sơ đó sẽ thất bại, vì mỗi công ty đều có yêu cầu khác nhau đối với ứng viên. Để trách bị rớt “từ vòng gửi xe” thì công việc đầu tiên bạn phải làm là tìm hiểu về nhà tuyển dụng cần gì ở mình, để biết nhấn mạnh vào kỹ năng phù hợp.
Nếu vị trí tuyển dụng là developer (phát triển game, phần mềm…) thì các bạn đừng nhấn mạnh vào kinh nghiệm quản lý hay kinh nghiệm bán hàng. Nếu bạn không có kinh nghiệm thì hãy nhấn mạnh vào điểm mạnh phù hợp, ví dụ kiến thức cơ sở vững chắc, tiếp thu nhanh…
Nếu bạn có nghiên cứu khoa học ở trường, bạn cũng có thể liệt kê các nghiên cứu đó vào danh sách kinh nghiệm của mình. Không nên ứng tuyển vào vị trí vượt quá xa khả năng của bạn. Nếu bạn có một năm kinh nghiệm làm lập trình viên, bạn không nên ứng tuyển vào vị trí Senior Developer, vì các bạn có nộp vào thì hồ sơ đó cũng rất dễ bị loại.
Đặc biệt, các bạn không nên nói dối về kinh nghiệm, khả năng làm việc của mình. Bởi người tuyển dụng thường có nhiều kinh nghiệm, trải qua hàng trăm cuộc phỏng vấn và đã từng gặp mọi kiểu nói dối, chỉ cần một kiểm tra nho nhỏ là sẽ rõ ngay. Khi đã bị cho là dối trá thì cơ hội của bạn bằng không.
Còn vấn đề lương bổng, trừ khi người tuyển dụng yêu cầu thì bạn không cần thiết phải đưa mức lương mong muốn vào hồ sơ và hãy để dành thông tin này cho buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn nên có một chút ý niệm về mức lương mà người tuyển dụng dự định trả.
Các công ty nước ngoài thường có khung lương, họ sẽ không trả cao hơn khung, nên nếu bạn đòi quá cao, bạn sẽ bị loại. Khi bạn đưa ra mức lương mong muốn và người phỏng vấn hỏi xem có thể thương lượng được không, bạn không nên trả lời là “không” trừ khi bạn tin rằng mức lương đó là mức tối thiếu mà bạn xứng đáng được nhận, vì nếu trả lời “không” bạn đã tự đặt mình ra ngoài khung lương. Bạn nên trả lời kiểu: “Công ty cứ đề nghị, tôi sẽ cân nhắc”.
Về cách tổ chức hồ sơ, hồ sơ gồm 2 văn bản, CV và cover letter. Về CV chỉ nên dài 2-3 trang, cover letter chỉ nên dài 5-10 dòng. Tuy cover letter chỉ vài dòng nhưng rất quan trọng, trong vài dòng đó bạn cần phải nói được tại sao mình đáng được mời đến phỏng vấn. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều lời khuyên về cover letter và CV trên internet.
Nói chung, nếu bạn biết cách viết CV và cover letter cho phù hợp với vị trí ứng tuyển, bạn đã chắc chắn nắm được 90% qua được vòng loại hồ sơ. Nếu bạn thực sự phù hợp với vị trí đó, bạn sẽ có cơ hội qua được vòng phỏng vấn. Còn nếu không được phỏng vấn, dù bạn có giỏi đến đâu thì bạn cũng không xin việc được.
Do đó, nếu gửi hàng loại hồ sơ mà không nhà tuyển dụng nào mời bạn đến phỏng vấn thì các bạn phải xem lại hồ sơ của mình. Hãy bỏ ra một tuần nghiên cứu cách viết CV và cover letter. Việc này sẽ giúp ích bạn rất nhiều.
30/8/13
Chia sẻ:
Chia sẻ
Tin liên quan
Tin khác
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét